HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐỘI TÀU GIẢI PHÓNG – TỰ LỰC – QUYẾT THẮNG TRONG THỜI KỲ KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC

HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐỘI TÀU GIẢI PHÓNG – TỰ LỰC – QUYẾT THẮNG TRONG THỜI KỲ KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC

1965-1968: Chống chiến tranh phá hoại và phong tỏa đường biển lần thứ nhất. Cục Vận tải Đường biển dưới sự lãnh đạo của Cục trưởng Lê Văn Kỳ đã tổ chức tốt việc tiếp nhận hàng hóa nhập khẩu và viện trợ, tăng cường tiềm lực kinh tế và quốc phòng. Đội tàu Tự Lực dưới sự chỉ huy của đội trưởng Võ Bảy đã không ngại khó khăn nguy hiểm, vừa vận tải vừa ngụy trang lẩn tránh địch. Đội tàu được tổ chức theo 2 phân đội, mỗi phân đội có tuyến đường vận tải riêng. Trên các cung đoạn từ Nam Định vào vùng duyên hải của các tỉnh Khu IV, Cục Vận tải Đường biển chỉ đạo xây các ụ trú ẩn dã chiến và trang bị lưới ngụy trang cho tất cả các tàu Tự Lực.
1969-1971: Tham gia chiến dịch vận chuyển phục vụ Đường 9 Nam Lào. Công ty Vận tải biển Việt Nam (Vosco) đã quản lý và điều hành các hoạt động vận tải. Đội tàu đã vận chuyển được 2.580 m3 đá hộc, 30.000 bao cát để hàn gắn đê điều ở các tỉnh miền Bắc. Trước yêu cầu trên, Bộ Giao thông vận tải đã ra quyết định giải thể 3 đội tàu để thành lập Công ty Vận tải biển Việt Nam (Vosco). 01/7/1970, Công ty chính thức đi vào hoạt động với nhiệm vụ quản lý tốt các phương tiện thiết bị, tổ chức kinh doanh theo chế độ hạch toán kinh tế, mở các tuyến luồng vận tải biển trong nước và quốc tế.
1972-1975: Chống chiến tranh phá hoại và phong tỏa đường biển lần thứ hai. Vosco và Công ty Vận tải ven biển Việt Nam (Vietcoship) đã trực tiếp quản lý và điều hành. Chiến dịch Đông Bắc đã thắng lợi tốt đẹp, khối lượng hàng từ Trung Quốc về Hải Phòng tăng đáng kể. Trong tháng 7/1972, Cục đường biển huy động toàn bộ số tàu Giải Phóng, Tự Lực và Quyết Thắng vào tham gia chiến dịch. Trung Quốc viện trợ cho ta 50 tàu VS- 50T, 8 sà lan biển, 4 tàu kéo biển. Do có thêm phương tiện, chiến dịch Đông Bắc đã thắng lợi tốt đẹp, khối lượng hàng từ Trung Quốc về Hải Phòng tăng từ 7.000 tấn tháng 7/1972 lên 22.300 tấn (tháng 12/1972). Sau chiến dịch đánh phá Hà Nội, Hải Phòng 12 ngày đêm bằng B52, Mỹ phải ngừng ném bom miền Bắc và ký hiệp định Paris. Ngày 16/01/1973, tàu HQ160 mở luồng đưa tàu 20-7 của Công ty Vận tải biển Việt Nam vào Cảng Hải Phòng, khai thông luồng Hải Phòng cho các tàu Trung Quốc, Cu Ba, Liên Xô và các nước khác nhập hàng cho ta. Cuối tháng 5/1973, tất cả các tuyến luồng và các cảng ở miền Bắc đã được rà phá hết thủy lôi.
Hoạt động của 3 đội tàu này trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1965 -1975 có thể chia làm 3 giai đoạn:
A- Giai đoạn 1965-1968: chống chiến tranh phá hoại và phong tỏa đường biển lần thứ nhất. Giai đoạn này do Cục trưởng Cục vận tải Đường biển ông Lê Văn Kỳ trực tiếp quản lý và điều hành. Cụ thể tham gia các chiến dịch:
– Chiến dịch Đông Xuân 1965-1966;
– Chiến dịch 37 ngày đêm Đông Xuân 1966-1967 (Khi Mỹ ngừng ném bom)
-Chiến dịch VT5 (- viết tắt của chữ Vận tải tranh thủ tụt thang)
B- Giai đoạn 1969-1971: tham gia chiến dịch vận chuyển phục vụ Đường 9 Nam Lào. Giai đoạn này do Công ty Vận tải biển Việt Nam (Vosco) trực tiếp quản lý và điều hành.
C- Giai đoạn 1972-1975: Chống chiến tranh phá hoại và phong tỏa đường biển lần thứhai. Giai đoạn này do Công ty Vận tải biển Việt Nam (Vosco) và Công ty Vận tải ven biển Việt Nam (Vietcoship) trực tiếp quản lý và điều hành. Cụ thể tham gia các chiến dịch:
– Chiến dịch Đông Bắc (Chở gạo và hàng hóa, xăng dầu từ 2 cảng Bắc Hải và Phòng Thành của Trung Quốc về Việt Nam).
– Chiến dịch tổng tiến công mùa xuân năm 1975, giải phóng đất nước.
1. Giai đoạn 1965 – 1968: chống chiến tranh phá hoại và phong tỏa đường biển lần thứ nhất
Sau “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” ngày 05/8/1964, đế quốc Mỹ ngày càng leo thang dùng không quân, hải quân đánh phá, thả bom mìn phong các cảng sông, cảng biển. Từ năm 1966-1967, Mỹ tiếp tục triển khai các chiến dịch “Sấm Rền”, “Biển Lửa” nhằm thực hiện âm mưu “Ngăn chặn cho Bắc Việt Nam không còn lối nào nhận viện trợ từ bên ngoài”. Tháng 4/1966, máy bay Mỹ bắn phá các đảo Cô Tô, Long Châu, Hòn Dấu… Từ 29/6/1966 tới tháng 8/1966, hệ thống các kho xăng dầu của ta ở Đức Giang (Hà Nội), Kinh Môn (Hải Dương), Nam Định, Thái Nguyên, Bố Hạ (Hà Bắc), Thanh Hóa, Nghệ An bị máy bay bắn phá ác liệt. Tháng 3/1967, chúng bắt đầu thả thủy lôi xuống các cửa sông.
Đến tháng 9/1967, tăng cường bắn phá và thả thủy lôi tại cácCảng Hải Phòng, Cẩm Phả, Hòn Gai (Quảng Ninh), Bến Thủy, Cửa Hội (Nghệ An), Cửa Sót, Cửa Nhượng (Hà Tĩnh), Cảng Gianh, Nhật Lệ (Quảng Bình), bị ném bom và bắn phá nhiều lần và phong tỏa bằng thủy lôi, bom từ trường.
Để chống lại những âm mưu thủ đoạn đánh phá của địch, Cục Vận tải Đường biển dưới sự lãnh đạo của Cục trưởng Lê Văn Kỳ chỉ đạo quyết tâm tổ chức tốt việc tiếp nhận hàng hóa nhập khẩu và viện trợ của các nước anh em, tăng cường tiềm lực kinh tế và quốc phòng, phục vụ sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc, và chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.
Đội tàu Tự Lực dưới sự chỉ huy của đội trưởng Võ Bảy, đội phó Phạm Mười đã khẩn trương tổ chức lực lượng, không ngại khó khăn nguy hiểm, vừa vận tải vừa ngụy trang lẩn tránh địch để mở đường và giữ vững tuyến luồng vận tải, không để gián đoạn trong bất kỳ tình huống nào.
Đội tàu được tổ chức theo 2 phân đội, 1 phân đội lấy hàng từ Cảng Hải Phòng chạy theo tuyến đường sông vào Nam Định; phân đội còn lại phân tán dọc theo 2 bờ sông Ninh Cơ (Nam Định) sau khi lấy hàng ra cửa Lạch Giang chạy vào Bến Thủy, sông Gianh hoặc Nhật Lệ. Trên các cung đoạn từ Nam Định vào vùng duyên hải của các tỉnh KhuIV, Cục Vận tải Đường biển chỉ đạo xây các ụ trú ẩn dã chiến và trang bị lưới ngụy trang cho tất cả các tàu Tự Lực.
Với phương châm tránh địch đưa hàng đến đích là chính, chiến đấu đánh trả máy bay, tàu chiến địch chỉ khi bị tấn công. Quá trình vận chuyển sĩ quan thuyền viên đã rất bình tĩnh, gan dạ, anh dũng kiên cường và xuất hiện nhiều tấm gương xung phong đi đầu mở tuyến , điển hình như Thuyền trưởng Trịnh Văn Vàng, thủy thủ Nguyễn Thanh Hải tàu TL 02-20.Sau chuyến thứ 2 trả hàng xong gần về đến đích thì bị máy bay địch phát hiện đuổi theo bắn chìm và 2 đồng chí đã anh dũng hy sinh.
Học tập tấm gương hy sinh anh dũng của 2 đồng chí này, toàn bộ đội tàu đã phát động phong trào thi đua: giữ vững tuyến đường, quay vòng nhanh, tăng tải trọng, bảo quản tốt hàng hóa, đưa hàng tới đích an toàn.
Trong phong trào thi đua, nhiều đơn vị điển hình như các tàu: TL 06, VS 21, VS 24, VS 32, VS 35… chạy từ Nam Định vào Cửa Hội 2 chuyến/tháng đã tăng lên đến 3chuyến/tháng và những tấm gương mưu trí dũng cảm không ngại hy sinh như các Thuyền trưởng Võ Tự Trình, Ngô Lụa, Nguyên Bưng, Nguyễn Nuôi, Lê Thanh Bùi, Lê Văn Bé….
Đội tàu Quyết Thắng do đội trưởng Ngô Tuyết, đội phó Vũ Duy My chỉ huy tiếp nhận xăng dầu ở các tàu lớn của Liên Xô, Trung Quốc và một số nước tư bản neo đậu tại Vịnh Hạ Long. Các đoàn tàu lai dắt sà lan, sà lan tự hành, các tàu Tự Lực, VS dầu ban đêm cập mạn tàu ngoại bơm hàng xong ngụy trang về các chỗ ẩn nấp sơ tán tránh máy bay địch, đêm sau mới vận chuyển đến các kho tập kết. Đối với tàu sông thì vận chuyển đi Hải Phòng, Hà Nội, Hà Bắc, Nam Định. Đối với tàu VS, TL chở dầu thì vận chuyển vào Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Trong chiến tranh, xăng dầu là mặt hàng chiến lược số 1, là mạch máu đảm bảo cho giao thông thông suốt, cung cấp cho hàng ngàn xe ô tô vận chuyển hàng ra tiền tuyến, cho xe tăng máy bay chiến đấu, phục vụ sản xuất và chiến đấu ở hậu phương. Ngoài việc cấp trực tiếp cho các tàu thuyền hoạt động trên sông, trên biển, xăng dầu được tập kết ở các kho dự trữ để bơm vào đường ống chạy dọc theo đường mòn 559 của tướng Đồng Sỹ Nguyên phục vụ chiến trường miền Nam.
Bằng trí thông minh, lòng dũng cảm và phải chịu những tổn thất hy sinh, từ ngày 10/9/1966 đến cuối năm 1969, đội tàu Quyết Thắng đã vận chuyển 1triệu tấn xăng dầu phục vụ cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước ở cả hai miền.
Đối với tàu Giải Phóng, khi địch đánh phá ác liệt, Cục Vận tải Đường biển chỉ đạo phải sơ tán, che dấu lực lượng ở Vịnh Hạ Long, thượng nguồn các sông ở Hà Bắc, bảo toàn lực lượng làm nhiệm vụ dự bị chiến lược đội tàu này sẵn sàng phục vụ các chiến dịch khi địch ngừng ném bom (những ngày Noel, lễ Tết…), vận chuyển hàng từ Cảng Hải Phòng “thần tốc” 1 đêm đến Khu IV.
Bị thất bại nặng nề ở cả 2 miền Nam, Bắc, Mỹ buộc phải chấp nhận lùi một bước chiến lược. Tối 31/3/1968, Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 19 trở ra, nhưng từ vĩ tuyến 19 trở vào chúng tập trung bom đạn đánh phá ác liệt hơn, số trận ném bom tăng lên 2,6 lần, mật độ ném bom tăng lên 20 lần. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta xác định: “kiên quyết đánh bại âm mưu ngăn chặn của địch, đảm bảo giao thông thông suốt, tích cực chi viện cho tiền tuyến, đẩy mạnh tiến công địch, giành thắng lợi to lớn hơn…”.
Ba đội tàu Giải Phóng, Tự Lực, Quyết Thắng được Cục Vận tải Đường biển phân công hoạt động liên tục ở cả 2 vùng: Vùng bị địch bắn phá từ Nghệ An trở vào Nam và vùng từ vĩ tuyến 19 trở ra.Đồng thời chuẩn bị lực lượng sẵn sàng chớp thời cơ thực hiện các chiến dịch vận tải quy mô lớn cho Khu IV.
Do có chủ trương đúng đắn vừa đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ vận tải phục vụ cho các chiến dịch, vừa phát triển phương tiện và lực lượng thuyền viên. Từ đầu năm 1968, số phương tiện đã tăng 2,4 lần về trọng tải, 11,9 lần về công suất so với năm 1964. Lực lượng thuyền viên từ 1129 người từ năm 1965 lên 1847 người năm 1968, số thuyền trưởng tăng 12 lần, máy trưởng tăng 10 lần và thuyền phó tăng 6,5 lần.
Chiến dịch VT5: Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, và trực tiếp chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Quốc phòng, đây là chiến dịch vận chuyển đặc biệt lớn nhất từ trước đến thời điểm bấy giờ. Nắm vững tư tưởng chỉ đạo của Trung ương, Cục Vận tải Đường biển chỉ đạo toàn Ngành chuẩn bị lực lượng, sẵn sàng chớp thời cơ thực hiện chiến dịch vận tải quy mô lớn cho Khu IV. Đúng 20h ngày 01/11/1968, khi Tổng thống Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, chiến dịch bắt đầu.
Cục Đường biển đã huy động 70% lực lượng của các đội tàu gồm 33 tàu Giải Phóng, hàng trăm tàu Tự Lực… cùng các lực lượng vận tải khác tham gia chiến dịch. Chiến dịch VT5 là ngày hội của ngành Đường biển, diễn ra khẩn trương, hồ hởi và giành thắng lợi to lớn.
Sau chiến dịch các đội tàu trở lại hoạt động theo qui chế thời chiến, sẵn sàng và kịp thời đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
2. Giai đoạn 1969 – 1971
Mặc dù chiến tranh phá hoại miền Bắc tạm ngừng nhưng hậu quả của 4 năm chiến tranh là hết sức nặng nề. Hầu hết các cầu cảng, bến bãi đều bị phá hỏng. Luồng lạch nhiều chỗ nông cạn chưa được khai thông, bom mìn, thủy lôi vẫn chưa được rà phá hết, cơ sở sản xuất bị phân tán khắp nơi. Đời sống của cán bộ công nhân viên trong ngành gặp khá nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Cục Vận tải Đường biển đã tiến hành kiểm kê tài sản trong Ngành, phục hồi sản xuất và quyết tâm : “Tập trung đảm bảo mạch máu giao thông trên biển thông suốt, liên tục kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam và các tỉnh Khu IV…”.
Trước yêu cầu trên theo đề nghị của Cục Vận tải Đường biển, Bộ Giao thông vận tải đã ra quyết định giải thể 3 đội tàu để thành lập Công ty Vận tải biển Việt Nam. Ngày 01/7/1970 Công ty Vận tải biển Việt Nam (Vosco) chính thức đi vào hoạt động. Nhiệm vụ của Công ty là quản lý tốt các phương tiện thiết bị trên, tổ chức kinh doanh theo chế độ hạch toán kinh tế, mở các tuyến luồng vận tải biển trong nước và quốc tế.
Lúc mới thành lập, (01/7/1970) Công ty quản lý 217 tàu nhưng chỉ có 34.245 tấn trọng tải bao gồm các tàu Tự Lực, Giải Phóng, trọng tải từ 50-100 tấn, tàu lai dắt và sà lan trọng tải từ 40-300 tấn, số sà lan biển trọng tải 800 tấn và 7 tàu lớn trọng tải 800-3.500 tấn. Gồm các tàu Hòa Bình, Hữu Nghị, Bến Thủy, Thống Nhất, Việt Bảo mà trước đây Cục đường biển quản lý.
Các tàu Hòa Bình, Hữu Nghị, Thống Nhất, Cửu Long dầu , Đoàn Kết (đắm tại k4 do bị ném bom) do Liên Xô viện trợ
Tàu Việt Bảo (TT 3500t do Bungary viện trợ)
Tàu Việt Ba (TT 5000T bị chìm ở eo Hải Nam, Trung quốc kéo về Quảng Châu)
Phần lớn các tàu sau 4 năm hoạt động trong chiến tranh bị hư hỏng phải sửa chữa nhiều, cần thiết bị phụ tùng để sửa chữa thay thế thiếu thốn, các cơ sở sửa chữa của Công ty và của Ngành trình độ kỹ thuật còn lạc hậu. Đội ngũ thuyền viên, cán bộ công nhân viên có 2.775 người nhưng số được đào tạo chính quy không nhiều, hầu hết thông qua thực tế sản xuất, chiến đấu từ các phương tiện nhỏ, thô sơ… Tuy vậy với sự lao động cần cù, sáng tạo, quyết tâm cao đã được thử thách, tôi luyện trong chiến tranh, cán bộ công nhân viên và sĩ quan thuyền viên Công ty Vận tải biển Việt Nam vượt qua mọi khó khăn đưa hoạt động của công ty ổn định và phát triển.
Công tác vận tải vào Khu IV của Công ty được ưu tiên về mọi mặt nhằm mục đích đưa nhiều hàng và lập chân hàng cho các đoàn tàu Tự Lực, Giải Phóng chuyển hàng phục vụ chiến trường.
Ngày 14/10/1970 Cục Vận tải Đường biển quyết định thành lập “Trạm vận tải Khu IV”, trụ sở tại Cửa Hội (Nghệ An) và 2 phân trạm ở sông Gianh và Nhật Lệ với chức năng theo dõi, quản lý, khai thác, điều động, sửa chữa các phương tiện hoạt động ở Khu IVdo đồng chí Võ Bảy – nguyên đội trưởng đội Tự Lực làm Trạm trưởng, các đồng chí Nguyễn Thượng Sơn, Lê Diện làm Trạm phó.
Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào:
Cuối tháng 12/1970, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ráo riết chuẩn bị cuộc hành quân lớn vào Nam Lào nhằm “cắt đứt đường vận chuyển Trường Sơn, cô lập Cách mạng miền Nam và kéo quân chủ lực của ta vào đó để tiêu diệt”. Tháng 2/1971, Tổng thống Mỹ Nickson thông qua kế hoạch Abram và mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh vào Đường 9 – Nam Lào.Đồng thời địch đã đưa nhiều tàu biệt kích bắn phá vùng ven biển miền Bắc nhằm ngăn chặn tuyến chi viện bằng đường biển của ta.
Trung ương Đảng và Chính phủ giao nhiệm vụ cho ngành Đường biển phối hợp chặt chẽ với quân chủng hải quân, công binh nhanh chóng chuyển một số lượng lớn vũ khí hạng nặng như xe tăng, thiết giáp từ miền Bắc tập kết ở khu vực Cảng Gianh để vận chuyển vào chiến trường. Với 7 tàu Tankit do các Thuyền trưởng: Nguyễn Hữu Trinh, Lê Nhật Quang, Nguyễn Bá Trí, Trần Đức Thịnh, Hồ Thái Hùng, Trần Văn Tiên, Nguyễn Duy Hồ điều khiển đã mưu trí ngụy trang nhận hàng từ Cửa Hội vào Cảng Gianh được an toàn. Trong 25 ngày của tháng 2/1971, đã có 54 xe tăng T54 được bàn giao trực tiếp cho Đoàn 559 theo đúng kế hoạch. Trong quá trình vận chuyển, lực lượng thuyền viên đã chiến đấu với các tàu biệt kích của địch bảo vệ được tàu và hàng.
Ngoài ra dưới sự chỉ huy của Cục trưởng Lê Văn Kỳ, các tàu TL, TK, TD, G, H đã tham gia vận chuyển được 2.580 m3 đá hộc, 30.000 bao cát để hàn gắn đê điều ở Yên Viên (Hà Nội), Vĩnh Bảo (Hải Phòng), Nhất Trại, Gia Lương (Hà Bắc) trong các trận chống lụt từ tháng 8/1971 đến tháng 9/1971.
3. Giai đoạn 1972 – 1975: chống chiến tranh phá hoại miền Bắc và chống phong tỏa sông biển lần thứ hai của Mỹ
Mùa xuân năm 1972, bằng chiến dịch vận tải 25-3, ngành Đường biển đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đưa 59.000 tấn hàng vào Nghệ An, 30.600 tấn hàng vào Hà Tĩnh, chuyển tải được 25.000 tấn hàng của các tàu Hồng Kỳ (Trung Quốc) neo ở vùng biển Khu IV Hòn Ngư để tướng Đồng Sỹ Nguyên qua đường 559 đưa vào chiến trường miền Nam.
Ngày 30/3/1972, quân ta tấn công tỉnh Quảng Trị và Kon Tum và từ ngày 01/4/1972 trở đi, các cuộc tấn công của quân và dân ta lan rộng sang Khu V, miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Trước việc thất thủ ở Quảng Trị ngày 04/4/1972, Tổng thống Mỹ Nickson quyết định “Mỹ hóa” chiến tranh ở miền Nam, tập trung lực lượng không quân và hải quân đánh phá hết sức ác liệt miền Bắc. Từ ngày 06/4 đến ngày 25/4/1972, máy bay Mỹ bắn phá: Cảng Gianh, Cửa Hội, Xuân Hải, Bến Thủy. Ngày 16/4/1972, máy bay Mỹ bắn phá và ném bom B52 xuống thành phố Hải Phòng gồm: Sở Dầu, 6 kho của Cảng Hải Phòng, văn phòng Cục Vận tải Đường biển, Công ty Bảo đảm Hàng hải, xưởng cơ khí Z21, trụ sở Công ty Vận tải biển Việt Nam ở cả 2 địa điểm số 4 Cù Chính Lan và số 1B Hoàng Văn Thụ, khu tập thể công nhân cầu Tre… Đã có 81 cán bộ công nhân, thuyền viên của Ngành hy sinh trong đợt bắn phá này. Ngày 08/5/1972, Mỹ quyết định phong tỏa toàn bộ các tuyến vận tải đường biển ở miền Bắc và Cảng Hải Phòng bằng cách thả mìn, thủy lôi thế hệ mới.
Trong tình hình đó, tại Khu IV, lực lượng đội tàu của Công ty gồm 17 tàu Giải Phóng, 94 tàu Tự Lực bị đe dọa nghiêm trọng. Để đảm bảo lực lượng, sau khi xin ý kiến của cấp trên và Bộ Tư lệnh Quân Khu IV, đồng chí Võ Bảy đã quyết định rút phần lớn đội tàu ra khỏi Khu IV trở về miền Bắc. Vì vậy 67 tàu rút về được an toàn, 33 tàu bị địch bắn chìm. Rất nhiều cán bộ và thuyền viên đã anh dũng hy sinh. Tại Hải Phòng, văn phòng Công ty chỉ để một lực lượng cắm chốt và trực chiến, phần lớn phòng ban đều phải sơ tán tại huyện Kinh Môn (Hải Dương).
Chiến dịch vận tải Đông Bắc:
Giữa năm 1972, cuộc chiến chống phong tỏa được triển khai rộng khắp trên hầu hết vùng biển miền Bắc. Lực lượng rà phá thủy lôi, bom mìn của ngành Đường biển phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Hải quân, các quân khu, các tỉnh thành phố ven biển thực hiện quét thủy lôi bằng những phương tiện khí tài do ta tự chế được trang bị. Hầu hết các tàu Tự Lực, Giải Phóng đã trực tiếp tham gia vào chiến dịch vận tải Đông Bắc.
Tháng 6/1972, các tàu GP 16, GP 25 do Thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Tuyền và Nguyễn Ngọc Quang cùng một sốThuyền trưởng khác theo 2 tàu trên đi mở luồng thành công.
Tháng 7/1972, Cục đường biển huy động toàn bộ số tàu Giải Phóng, Tự Lực và Quyết Thắng vào tham gia chiến dịch. Trong tháng này, Trung Quốc viện trợ cho ta 50 tàu VS-50T (gồm cả tàu chở hàng và chở xăng dầu), 8 sà lan biển (800-2.000T), 4 tàu kéo biển. Do có thêm phương tiện, chiến dịch Đông Bắc đã thắng lợi tốt đẹp, khối lượng hàng từ Trung Quốc về Hải Phòng tăng từ 7.000 tấn tháng 7/1972 lên 22.300 tấn (tháng 12/1972).
Tại Khu IV, do địch bắn phá và phong tỏa mạnh, tàu của ta không vào được, Cục Vận tải Đường biển đã vận động tàu Trung Quốc vào Hòn Ngư neo và áp dụng phương thức thả trôi hàng từ vùng neo vào bờ và đã thu được kết quả đáng kể. Tuy vậy, các tàu Liên Xô, Trung Quốc, Ba Lan… đậu ở Cảng Hải Phòng và Hòn Ngư nhiều lần bị máy bay Mỹ bắn phá. (tàu Balan Corrat bị trúng bom tại Cảng 6 Hải Phòng ngày 16/04.
Sau chiến dịch đánh phá Hà Nội, Hải Phòng 12 ngày đêm bằng B52 (12/1972) bị thất bại thảm hại, Mỹ phải ngừng ném bom miền Bắc (15/01/1973) và buộc phải ký hiệp định Paris (27/01/1973) lập lại hòa bình ở Việt Nam, đồng thời có trách nhiệm rà phá thủy lôi ở vùng biển miền Bắc Việt Nam.
Ngày 16/01/1973, tàu HQ160 mở luồng đưa tàu 20-7 của Công ty Vận tải biển Việt Nam vào Cảng Hải Phòng, khai thông luồng Hải Phòng cho các tàu Trung Quốc, Cu Ba, Liên Xô và các nước khác nhập hàng cho ta. Cuối tháng 5/1973, tất cả các tuyến luồng và các cảng ở miền Bắc đã được rà phá hết thủy lôi.
Trong hai năm 1972-1973, Công ty Vận tải biển Việt Nam (Vosco) đã huy động 36 tàu Tự Lực chở tên lửa “SAM 2” phục vụ kịp thời cho cuộc tấn công thị xã Đông Hà (Quảng Trị), các tàu Giải Phóng được giao nhiệm vụ chở người, lương thực vào Đà Nẵng sau khi thành phố này được giải phóng vào ngày 29/3/1975.
Chiến dịch tổng tiến công giải phóng miền Nam thống nhất đất nước ngày 30/4/1975:
Ngày 31/3/1975, Trung ương Đảng quyết định thành lập các đoàn cán bộ khung để giải phóng đến đâu tiếp quản đến đó.
Bộ Giao thông vận tải ra Nghị quyết “Địch rút đến đâu vận tải đường biển vươn tới đó”. Ngày 01/4/1975, Bộ Giao thông vận tải ra quyết định thành lập Công ty Vận tải ven biển Việt Nam (Voscoship) quản lý các tàu của toàn bộ 3 đội tàu Giải Phóng, Tự Lực, Quyết Thắng trước đây và các sà lan biển, tàu kéo biển và tách ra từ công ty vận tải biển Việt Nam (Vosco) trụ sở tại 1B Hoàng Văn Thụ. Các tàu lớn (thuộc đội tàu Hữu Nghị sau này có thêm Hồng Hà, Sông Đà và Sông Lô được Liên Xô cho) do Vosco quản lý (trụ sở số 4 Cù Chính Lan, Hải Phòng). Ngay sau khi ký hiệp định Paris (27/01/1973), bằng phương pháp vay mua Cục trưởng Lê Văn Kỳ đã mua một loạt các tàu Hàng khô như Sông Hương, Đồng Nai, Hải Phòng của Thụy Điển (TT 9.850T), và hai tàu chở dầu Cửu Long của Nauy (TT 20.840T) giao cho Vosco quản lý và tàu khách Thống Nhất cũng của Nauy (Vietcoship quản lý) để phục vụ chở khách giữa 2 miền Nam Bắc. Vì vậy ngay sau khi giải phóng miền Nam ngày 13/05/1975 tàu Sông Hương do thuyền trưởng Nguyễn Tấn Nghiêm chỉ huy đã cập bến Nhà Rồng đưa 541 cán bộ Miền Nam tập kết về tiếp quản Sài Gòn, trước sự phấn khởi và ngạc nhiên của nhân dân Sài Gòn. Đây là một quyết định sáng suốt của cục trưởng Lê Văn Kỳ – người có tầm nhìn xa, mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển của ngành hàng hải Việt Nam.
Tàu sông Hương do thuyền trưởng Nguyễn Tấn Nghiêm chỉ huy, cập cảng nhà Rồng (Sài Gòn) ngày 13/5/1975
Tập thể lãnh đạo và thuyền viên của tàu Sông Hương chụp ảnh kỷ niệm tại bến cảng Nhà Rồng cùng bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn (hàng đầu, thứ năm từ trái qua) – Ảnh tư liệu
MỞ LUỒNG là Bộ phim đươc thực hiện bởi Trung tâm truyền hình Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, cùng sự hỗ trợ của tập thể cựu thuyền viên 3 đội tàu Giải Phóng – Tự Lực – Quyết Thắng.
Lịch phát sóng trên truyền hình dự kiến:
– VTV 1: ngày 11 tháng 11 năm 2024 lúc 20 giờ 30 phút
– VTV 9: ngày 1 tháng 12 năm 2024 lúc 9 giờ; và ngày 20 tháng 12 năm 2024 lúc 9 giờ.
Rất mong nhận được sự quan tâm của mọi người và bạn bè.
Nguồn: từ bảng tin của Visaba

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

All in one